Sốc tâm lý” là cụm từ để nói đến tình trạng bị sang chấn tâm lý của con người, thường xuất hiện ngay sau khi có những sự kiện nghiêm trọng xảy ra gây đau buồn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và trong cuộc sống hàng ngày.
“Sốc tâm lý” gây ra những tác động làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi con người. Đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi, nếu các em không được can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời sẽ có nguy cơ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi trưởng thành.
Hiểu rõ các dấu hiệu, biểu hiện của con trẻ khi bị “ Sốc tâm lý” là điều cha mẹ cần biết để có thể giúp trẻ vượt qua.
1 - Sốc tâm lý là gì?
- Sốc tâm lý là từ ngữ “bình dân” để nói đến tình trạng bị sang chấn tâm lý của con người. Sang chấn tâm lý là một chấn thương (trauma) xuất hiện ngay sau khi có những kiện nghiêm trọng (gây đau đớn, đau buồn) xảy ra, có thể ở dạng thể lý hoặc tâm lý hoặc cả hai.
- Sốc về mặt tâm lý gây ra những ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi con người.
- Càng trực tiếp liên quan nhiều đến các sự kiện gây sang chấn thì càng dễ tổn thương hơn. Tuy vậy, ngay cả khi chỉ là “người quan sát” hoặc xem hình ảnh… về sự kiện sang chấn cũng có thể gây tổn thương
- Sang chấn tâm lý ở trẻ em nếu không được can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả thì sẽ có nguy cơ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi trưởng thành.
- Khi bị sốc về tâm lý, trẻ em có thể trở nên sợ hãi, thu rút hoặc có cảm giác tái diễn liên tục các sự kiện đau buồn trong đầu, thiếu tập trung, cảm thấy vô dụng, mất ngủ, chán ăn, hành vi gây hấn, muốn xem lại hoặc nghe kể lại về sự kiện đau buồn với một tâm trạng bất an và lo sợ…
2 - Sốc tâm lý ở trẻ em có thể xuất phát từ những sự cố sau:
- Môi trường sống không an toàn hoặc không ổn định
- Thiên tai hoặc tai nạn nghiêm trọng.
- Chia ly/ bị buộc phải rời xa cha mẹ.
- Khi gặp phải những căn bệnh nghiêm trọng/ hiểm nghèo.
- Sử dụng thuốc (tây) một cách bừa bãi.
- Bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc bị mắng nhiếc, đe dọa thậm tệ.
- Bạo lực/ bạo hành trong gia đình, trường học hoặc cộng đồng.
- Bị bỏ rơi.
- Bị bắt nạt.
- Cha mẹ chia tay hoặc thậm chí khi chứng kiến cảnh cha hoặc mẹ bị bạo hành.... và còn nhiều nguyên do tương tự khác.
Cần chú ý đặc biệt khi trẻ có những dấu hiệu sau:
- Từ chối đi đến những địa điểm làm gợi nhớ về sự kiện gây sốc (sang chấn)
- Có vẻ tê cứng cảm xúc (không đáp ứng cảm xúc một cách bình thường với những sự kiện bình thường của cuộc sống)
- Nhạy cảm quá mức với sự kiện bình thường có mức độ rất nhẹ
- Có những hành vi được thể hiện theo những cách có thể gây nguy hiểm cho bản thân
Những đứa trẻ có dấu hiệu trên cần phải được lưu ý một cách đặc biệt và cần sự giúp đỡ ngay tức khắc và chuyên nghiệp.
3 - Những điều cha mẹ có thể làm
- Đến với trẻ: Lắng nghe trẻ nói (dù có thể khó khăn để diễn đạt rõ ràng); Chấp nhận hoặc không tranh luận về những cảm xúc của trẻ; Giúp trẻ đối diện với những thực tại vừa trải nghiệm
- Giảm tác động của những nhân tố có thể gây căng thẳng: Thường xuyên thay đổi hoặc di chuyển nơi ở; Cách xa gia đình và bạn hữu thời gian dài; Áp lực trong trường học; Phải liên tục “chiến đấu” với gia đình; Bị đói.
- Theo dõi tiến trình bình phục: Kiên nhẫn (vì có thể phải mất nhiều thời gian); Chú ý đến những hành vi hoặc ngôn ngữ hoặc những trạng thái cảm xúc thay đổi đột ngột
- Nhắc cho trẻ biết rằng người lớn luôn yêu thương chúng, sẵn sàng hỗ trợ chúng và sẽ cùng ở bên chúng mọi khi có thể.
4 - Những gợi ý cha mẹ có thể làm trước hết khi trẻ gặp những cú sốc tâm lý
- Xác định và chỉ ra/ nói ra cho trẻ biết những cảm xúc cụ thể mà trẻ đang gặp phải
- Giải thích rõ ràng với trẻ về điều gì đã diễn ra (tránh che giấu các thông tin liên quan đến sự kiện)
- Cho đứa trẻ biết rằng: Cha/ mẹ luôn yêu con; Sự kiện xảy ra không phải là lỗi của con; Cha/ mẹ sẽ chăm sóc cho con. (Chú ý rằng cha mẹ chỉ nói điều đó khi thấy rằng thực sự mình có thể làm được được những điều đó); Việc con cảm thấy buồn là rất bình thường.
- Hãy để trẻ khóc; Chấp nhận chuyện trẻ buồn; Để trẻ nói về những cảm xúc của chúng; Để trẻ viết hoặc vẽ về những cảm xúc của chúng.
- Nếu trẻ có vấn đề về giấc ngủ: Chú ý nhiều hơn đến trẻ, để trẻ ngủ với đèn sáng, để trẻ ngủ trong phòng cha mẹ (thời gian ngắn/ tạm thời)
- Cố gắng giữ những nguyên tắc sinh hoạt bình thường (một số nguyên tắc sinh hoạt bình thường có thể không phù hợp trong thời điểm này đối với một số trẻ): Đọc truyện trong giờ đi ngủ, ăn tối cùng nhau, xem TV cùng nhau, đọc sách, tập thể dục, và chơi trò chơi cùng trẻ
- Giúp trẻ cảm thấy có thể kiểm soát: để trẻ chọn món ăn – nếu có thể, để trả lựa chọn áo quần – nếu có thể, để trẻ đưa ra vài quyết định cho trẻ - khi có thể
5 - Những điều không nên làm:
- Mong đợi trẻ can đảm và cứng rắn
- Bảo đứa trẻ trao đổi về sự kiện khi chúng chưa sẵn sàng
- Tức giận khi trẻ thể hiện những cảm xúc mạnh
- Buồn khi trẻ bắt đầu đái dầm, la lối, hoặc mút tay