Nhà Thiếu Nhi Thành Phố Hồ Chí Minh thành lập từ ngày 01/6/1975 tại số 55 Nguyễn Đình Chiểu với tên gọi Câu lạc bộ Thiếu nhi. Ngày 26/8/1976 Thành Ủy quyết định giao cho Thành Đoàn ngôi nhà số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3 để tổ chức hoạt động. Ngôi nhà này trước đây là Dinh của Phó Tổng thống Sài Gòn. Ngày 20/4/1979 Câu Lạc bộ Thiếu nhi được chuyển thành Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố . Ngày 02/8/1986 Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép chuyển Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành Nhà Thiếu Nhi Thành Phố Hồ Chí Minh.

1. Lãnh đạo cơ quan:

Từ 1975 – 1977 : Bà Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Chủ nhiệm
Từ 1977 – 1981 : Bà Hoàng Lê Tuyết Ngọc, Chủ nhiệm
Từ 1981 – 1988 : Bà Trần Thị Mỹ Thành (Chín Bảo), Giám đốc
Từ 1989 – 2008 : Bà Trần Thị Trúc Chi, Giám đốc
Từ 2009 – Hiện nay : Ông Phạm Ngọc Tuyền, Giám đốc

Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh

2. Thành tích đạt được

- Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1990

- Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 1995

- Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2000

- Huân chương Độc Lập Hạng Ba năm 2005

- Nhiều Bằng khen của Ủy Ban Nhân dân Thành phố

- Nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn và các Ban ngành khác

- Giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Đoàn TNCS Thành phố Hồ Chí Minh đã được trao cho các mô hình:

- Hội thi “Chim Gõ Kiến” năm 2002

- Liên hoan “Văn nghệ Búp Mai Vàng dành cho trẻ khuyết tật” năm 2005

- Hội thi “Chỉ Huy Đội Giỏi Thành phố” năm 2012

3. Chức năng, nhiệm vụ:

Thông qua các loại hình hoạt động văn hóa, Thể thao, Khoa học kỹ thuật...mà tập hợp giáo dục Thiếu nhi Thành phố.

+ Phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo cho Thiếu nhi.

+ Tổ chức thực hiện các phong trào hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

+ Nghiên cứu tổng kết và hướng dẫn phương pháp công tác Đội ngoài giờ trên lớp, ngoài nhà trường

+ Hướng dẫn nghiệp vụ các Nhà Thiếu nhi Quận – Huyện

- Về loại hình hoạt động

+ Hoạt động vui chơi giải trí tổ chức thường xuyên vào ngày Thứ bảy + Chủ nhật và các ngày lễ kỷ niệm trong năm như biểu diễn văn nghệ, thể dục. chiếu phim, triển lãm, cắm trại. v.v…

+ Hoạt động phát hiện và phát triển năng khiếu:

++Lớp năng khiếu : Ngoại ngữ, Tin học, sáng tạo Robot, thể thao, Võ thuật, hội họa, nghệ thuật ca múa nhạc …

++Các hội thi năng khiếu : Văn nghệ, Tin học, Sáng tạo, Vẽ tranh, Chỉ huy đội giỏi

+ Các hoạt động xã hội, tìm hiểu truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, tham quan di tích, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục tâm lý, kỹ năng sống…

Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh

4. Kết quả hoạt động:

Các lớp, CLB, Đội nhóm năng khiếu với trên 30 bộ môn đã thu hút trên 30.000 lượt em/năm tham gia sinh hoạt và học tập.

Đặc biệt đội Nghệ thuật Nhà Thiếu Nhi Thành Phố nhiều năm liền được dư luận đáng giá cao về chất lượng nghệ thuật trong các kỳ liên hoan hội diễn cấp toàn quốc và khu vực .

Hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc được Nhà Thiếu Nhi Thành Phố thường xuyên tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ và qua các buổi thăm viếng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, các chiến sĩ thương binh, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Đặc biệt nhiều lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt em tham gia như: Lễ hội Thế giới tuổi thơ ngày 1/6, lễ hội Trung Thu, lễ hội Ngày Tết Quê em, Ngày hội Khoa học với đời sống...

Nhà Thiếu Nhi Thành phố đã lập đường dây nóng và hoạt động Phòng Tâm lý sẵn sàng hổ trợ giải đáp giúp đỡ thiếu nhi về tâm lý. Hàng tháng, Nhà Thiếu nhi còn tổ chức hai chuyên đề/tháng với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia tâm lý, các chuyên đề về tuổi mới lớn, những bức xúc của các em trong học tập, trong cuộc sống.

Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tọa lạc trong khuôn viên Tượng Bác Hồ với thiếu nhi tại số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày những hình ảnh, hiện vật gắn với lịch sử của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1941 đến nay.

Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – thành phố Hồ Chí Minh được đặt trong ngôi nhà trước đây là dinh thự của các quan chức cấp cao trong chính phủ thời Pháp thuộc và chế độ Việt Nam cộng hòa - một trong những công trình kiến trúc do thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1926 và năm 1927. Tòa nhà cao 14m với có diện tích 1.156 m2 gồm 2 tầng, 3 ban công, tọa lạc trong khuôn viên rợp bóng cây, cửa hướng ra 3 mặt đường là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu và Tú Xương.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn: hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được khôi phục.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của các em thiếu nhi, đồng thời phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển của thành phố trong những ngày đầu mới giải phóng, Câu lạc bộ Thiếu nhi ra đời dưới sự quản lý của Ban Thiếu nhi Thành Đoàn nhưng địa điểm sinh hoạt, học tập của các em thiếu nhi chưa ổn định. Chính vì lẽ đó, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố ngày 26/8/1976, Dinh phó tổng thống chính thức được giao cho Thành Đoàn làm nơi tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố nay là Nhà Thiếu nhi thành phố - nơi đây đã trở thành một địa điểm vui chơi, học tập thân quen của thiếu nhi thành phố hơn 40 năm qua.

Năm 2015, tòa nhà được cải tạo phục chế theo nguyên dạng của một ngôi biệt thự cổ, trở thành nơi triển lãm, trưng bày các hình ảnh, hiện vật gắn với lịch sử và truyền thống của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/5/2015.

Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh Hiện nay, Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận trong Nhà Thiếu nhi thành phố, trực thuộc Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Truyền thống có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về các mô hình hoạt động Đội sôi nổi, những tấm gương tiêu biểu trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt nhấn mạnh đến tình yêu thương bao la của Bác Hồ đối với các cháu thiếu niên nhi đồng và lòng biết ơn, kính yêu của các cháu thiếu nhi với Bác Hồ kính yêu. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ thành phố về truyền thống và những trang sử vẻ vang của hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi đến các lớp thế hệ thiếu nhi trong tương lai – những mầm non của thành phố mang tên Bác Hồ, để các em thêm yêu và tự hào về truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, từ đó rèn luyện và phấn đấu hơn nữa trong học tập và công tác Đội theo “Năm điều Bác Hồ dạy”.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và khuôn viên “Tượng Bác Hồ với thiếu nhi” còn là địa điểm tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, chiếu phim tư liệu, tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề gắn với hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi thành phố. Ngoài ra, đây cũng là nơi các tổ chức đoàn thể đến tổ chức các hoạt động phong trào sinh hoạt truyền thống: học tập, vui chơi, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội; là nơi khai mạc các phong trào thiếu nhi sôi nổi của thành phố.

Nhà Truyền thống Đội đã lưu trữ và đưa vào giới thiệu 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên và 2 chuyên đề trưng bày lưu động. Hơn một năm hoạt động, Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã đón tiếp trên 900.000 lượt khách từ trong và ngoài nước đến tham quan. Có thể nói, nơi đây đã trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống, tư tưởng, đạo đức cho các em thiếu nhi và là “Ngôi nhà tuổi thơ” thân yêu của đông đảo thiếu nhi thành phố đến sinh hoạt và học tập truyền thống.

Thời gian hoạt động: từ thứ 4 đến chủ nhật
+ Sáng : 8 giờ 00 đến 11 giờ 30
+ Chiều: 14 giờ 00 đến 16 giờ 30
Địa chỉ: Số 4, Tú Xương, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Tổ chức bộ máy Nhà Thiếu nhi

BAN GIÁM ĐỐC NHÀ THIẾU NHI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giám đốc: Đ/c Phạm Ngọc Tuyền

Phó Giám đốc: Đ/c Hà Tài Sáu

Phó Giám đốc: Đ/c Lê Thị Thu

 

KHOA CHÍNH TRỊ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC ĐỘI

Trưởng khoa: Đ/c Trần Quận Hòa

Phó khoa: Đ/c Nguyễn Thanh Phong

 

KHOA THẨM MỸ NGHỆ THUẬT

Trưởng khoa: Đ/c Phạm Hồng Tuấn

Phó khoa: Đ/c Phạm Ngọc Bảo Trân

 

KHOA SÁNG TẠO KỸ THUẬT

Trưởng khoa: Đ/c Nguyễn Đỗ Minh

Phó khoa: Đ/c Lê Thị Kim Châu

Khoa Sáng tạo Kỹ thuật - Nhà thiếu nhi thành phố với chức năng nhiệm vụ tập hợp thiếu nhi thông qua việc tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục toàn diện qua các mô hình, các phương thức hoạt động khoa học kỹ thuật nhằm giáo dục tinh thần và thể chất cho thiếu nhi. Nghiên cứu, hướng dẫn, bồi dưỡng phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; phát hiện năng khiếu, tài năng và khả năng sáng tạo của thiếu nhi thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động thực tiễn.

 

KHOA THỂ DỤC THỂ THAO

Trưởng khoa: Đ/c Huỳnh Cẩm Linh

Phó khoa: Đ/c Nguyễn Thị Minh Hiền

Khoa Thể dục thể thao - Nhà thiếu nhi thành phố với chức năng nhiệm vụ đặc thù về các môn thể thao như thể dục nhịp điệu, cờ, bóng rổ, bóng đá, cầu lông, võ thuật, tenis, bơi lội... hàng năm khoa tổ chức thi đấu các giải thể thao, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em yêu thích thể thao được thể hiện niềm đam mê và phát triển năng khiếu của mình.

 

KHOA NGHIỆP VỤ CƠ SỞ

Trưởng khoa: Đ/c Phan Thanh Duẫn

 

PHÒNG GIÁO VỤ

Trưởng phòng: Đ/c Nguyễn Huy Sơn

Phó phòng: Đ/c Nguyễn Mạnh Truyền

Phòng Giáo vụ - Nhà thiếu nhi thành phố thực hiện các nhiệm vụ về công tác chiêu sinh, tuyển sinh; tuyển chọn và bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên và cộng tác viên theo định kỳ. Phối hợp, liên kết tổ chức đào tạo tại các cơ sở có nhu cầu và khả năng cho thiếu nhi. Phối hợp biên soạn và thường xuyên cập nhật hệ thống giáo trình, giáo án chuẩn, phù hợp cho từng bộ môn.

 

PHÒNG QUẢN TRỊ - SỰ KIỆN

Trưởng phòng: Đ/c Trần Tiểu Bình

Phó phòng: Đ/c Nguyễn Trung Can

Phó phòng: Đ/c Trương Anh Tú

 

PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÁNH

Trưởng phòng: Đ/c Chung Thị Ngọc Hòa

Phó phòng: Đ/c Nguyễn Văn Hùng

 

PHÒNG TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN

Phụ trách kế toán: Đ/c Tôn Thủy Tiên

Q.Trưởng phòng: Đ/c Lưu Thị Ngọc Hiền

Phòng Tài chính Kế toán - Nhà thiếu nhi thành phố với chức năng nhiệm vụ thực hiện các vấn đề liên quan đến tài chính, kế toán; quản lý tài sản công. Thực hiện kế hoạch tài chính, chế độ thanh quyết toán kinh phí. Đảm bảo thực hiện và quản lý chặt chẽ sổ sách, nghiệp vụ và chứng từ kế toán, báo cáo tài chính theo quy định.

 

PHÒNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG VÀ TƯ VẤN TÂM LÝ

Trưởng phòng: Đ/c Nguyễn Minh Hoàng

 

TỔ KỸ THUẬT

Tổ trưởng: Đ/c Bùi Quang Tiên

  

TỔ TẠP VỤ

Tổ trưởng: Đ/c Cù Thị Toan

 

ĐỘI AN NINH

Đội phó: Đ/c Phạm Thế Anh

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH

1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội nước ta trước ngày thành lập Hội Nhi đồng Cứu quốc:

Năm 1858, thực dân Pháp đặt chân tại bến cảng Đà Nẵng mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn 80 năm tại Việt Nam. Dưới chế độ thực dân Pháp, Phát xít Nhật và bọn vua quan phong kiến, cuộc sống của nhân dân ta rất khổ cực. Cha mẹ bị nô lệ, bị áp bức, mất tự do, sống trong cảnh nghèo khổ, con cái ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, không được cắp sách đến trường. Nhiều gia đình phải bán vợ đợ con đi làm tôi tớ cho địa chủ, tư bản.

Trước tình hình đó, Bác Hồ (lúc đó với tên là Nguyễn Tất Thành) đã sớm có chí quyết tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Ngày 05 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đổi tên là anh Ba, rời bến cảng Nhà Rồng với công việc phụ bếp trên tàu Đô đốc La- tút- sơ Tơ- rê- vin- lơ ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc) Đảng Cộng sản Việt Namđược thành lập và nhất trí thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Bác Hồ khởi thảo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta.

2. Một số hoạt động của thiếu nhi Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đội ta trước ngày thành lập

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng nước ta phát triển mạnh mẽ. Nơi nào có chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn thì nơi đó có tổ chức Đội Thiếu nhi hoạt động giúp cách mạng. Trong phong trào công nông (1930-1931), tại các chi bộ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình đã tập hợp được nhiều đội viên thiếu niên cách mạng sinh hoạt trong các đội Đồng Tử quân. Trong các đội Đồng Tử quân có những đội viên gan dạ nhạnh nhẹn được giao nhiệm vụ liên lạc, đưa thư từ, rải truyền đơn. Hai đội viên Trần Quốc Việt và Nguyễn Tư Năm đã có sáng kiến kẹp tờ truyền đơn vào tên tre, dùng cung bắn vào đồn lính ở Dương Liễu. Lợi dụng đêm tối, hai bạn nhỏ bò tới gần đồn rồi bắn truyền đơn vào, khiến cho tinh thần quân lính xôn xao, có tên đã bỏ về. Tại Thái Bình, có một đội viên tên là Ba, con nhà nghèo, đã theo người lớn đi đấu tranh chống thuế vào cuối năm 1930. Ba bị địch bắt, bị đánh đập dã man vẫn nhất quyết không khai. Lúc ở tù không sợ hãi, còn dùng que, dùng mảng gạch non thay phấn để học chữ. Về sau, bọn giặc phải thả Ba về.

Trong phong trào Dân chủ (1936-1939), dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Dân chủ, nhiều tổ chức Hồng Nhi đoàn được thành lập ở một số tỉnh như Hà Đông, Nam Định, Hải Phòng....Nhiều đội viên hoạt động rất hăng hái trong các đội kịch, đội múa, đội ca nhạc, đội bóng... Tổ chức Đội Thiếu niên đã từng bước được hình thành.

3. Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh

Đội TNTP Hồ Chí Minh được thành lập theo nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lẽ lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận hữu cơ trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, và lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trước ngày thành lập Đội, thiếu nhi cũng đã tập hợp hoạt động theo nhóm nhưng không có sự thống nhất chỉ mang tính chất theo từng địa phương vì một mục đích chung là cùng cha anh tham gia cách mạng. Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Hội Nhi đồng cứu quốc ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến từng địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng.

Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập cho thấy thiếu niên, nhi đồng đã có tổ chức của mình, có Điều lệ và nguyên tắc hoạt động riêng của tổ chức mình. Tổ chức Đội được thành lập có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của thiếu niên nhi đồng.

Việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh còn có tầm quan trọng vì tập hợp các em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng, như vậy các em có cùng chung về mặt tâm lí, yêu thích hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và trưởng thành.

4. Ngày thành lập Đội 15 tháng 5 năm 1941

Tháng 2 năm 1941, Nguyễn ái Quốc- Hồ Chí Minh bí mật về nước ở vùng Pác Pó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì. Từ sự phân tích diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh và tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội Nhi đồng cứu vong là đoàn thể cứu quốc của trẻ em từ 10 - 11 tuổi trở lên đến 15 - 16 tuổi và giao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.

4.1. Nhiệm vụ của Hội Nhi đồng Cứu quốc

Trên tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và cũng là phù hợp với lứa tuổi, Hội Nhi đồng Cứu quốc có nhiệm vụ: Làm giao thông liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh Tây đuổi Nhật.

4.2. Lễ thành lập Hội Nhi đồng Cứu quốc (15/5/1941)

Ngày 15/5/1941 trở thành mốc son sáng chói trong lịch sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Ngày ấy, ở gần hang Pác Bó, xuôi dòng suối Lê Nin, dưới chân núi Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có 5 thiếu niên là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn Tịnh, Lý Thị Nì, Lý Thị Xậu, được các anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc theo quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đội có mục đích là tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà” với nhiệm vụ làm giao thông thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác cho các cuộc họp của Đảng... Để đảm bảo bí mật, tổ chức Đội đã đặt bí danh cho các đội viên: Dền mang bí danh Kim Đồng, Thàn là Cao Sơn, Tịnh là Thanh Minh, Xậu là Thanh Thuỷ, Ni là Thuỷ Tiên. Cuộc họp đã bầu Kim Đồng làm đội trưởng. Cuối buổi lễ cả 5 bạn được kết nạp Đội đã tuyên thệ “Trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, dù có phải hi sinh cả tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân và cách mạng”. Hội Nhi đồng cứu quốc chính thức thành lập (về sau gọi là Đội thiếu nhi cứu quốc).

5. Những hoạt động chính và một số mốc son tiêu biểu của tổ chức Đội

Lớn mạnh cùng lịch sử dân tộc, tổ chức Đội đã từng bước được xây dựng và phát triển ở một số tỉnh thành như: Cao Bằng, Hà Nội, Hà Nam... Hình thức tổ chức rất phong phú , bên ngoài là các đội bóng, đá cầu, đội ca hát nhưng bên trong là các hoạt động cách mạng, tuyên truyền cổ động cho Việt Minh.

Càng gần đến năm 1945, phong trào cách mạng ở nước ta càng mạnh mẽ, Pháp- Nhật càng tàn ác, nhân dân ta càng kiên cường đấu tranh. Nhiều thiếu nhi đã cùng người lớn tham gia chống thuế, phá kho thóc hoặc theo du kích lên chiến khu. Trong chiến công tiêu diệt hai đồn địch Phai Khắt và Nà Ngần của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ( tháng 12 năm 1944), có sự góp phần tích cực của em Hồng, một đội viên thiếu niên, làm nhiệm vụ trinh sát đã dũng cảm lọt hẳn vào đồn địch do thám tình hình.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, thiếu nhi Hà Nội đã cùng cha anh tham gia chiếm công sở, trong đó có trại Bảo an binh, góp phần làm nên chiến thắng của cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Mặc dù rất bận với các công việc của đất nước, nhưng Đảng, Bác Hồ luôn dành cho các em thiếu nhi sự quan tâm đặc biệt. Nhân ngày khai trường năm học đầu tiên và tết trung thu đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ đã viết thư cho học sinh và thiếu nhi cả nước nhắc nhở các em ra sức học tập, siêng tập thể thao và ra sức giúp cho Nhi đồng cứu vong Hội, để mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với một nước độc lập, tự do.

6. Câu chuyện về anh Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người đội trưởng đầu tiên của Đội, sinh năm 1928, người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhà Kim Đồng rất nghèo. Cha bị chết vì nạn phu phen lao dịch của thực dân Pháp. Anh trai đi công tác luôn. ở nhà chỉ có mẹ tàn tật và người em họ mồ côi là Cao Sơn.

Từ bé, Kim Đồng đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Vùng quê hương Kim Đồng là nơi có phong trào cách mạng rất sớm. Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Hội Nhi đồng cứu quốc được thành lập có 5 đội viên và Kim Đồng được bầu là đội trưởng đầu tiên của Đội. Trong công tác, Kim Đồng luôn tỏ ra dũng cảm và có nhiều mưu trí.

Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ Cao Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về báo cáo. Đợi cho bạn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình, để chạy vọt qua suối, lên phía rừng. Như vậy, bọn lính sẽ phải nổ súng hoặc kêu lên. Chúng nó sẽ bị lộ. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”.

Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo. Anh Kim Đồng đã anh dũng hi sinh. Hôm ấy là sáng sớm ngày 15 tháng 02 năm 1943.

7. Các hoạt động, mốc son tiêu biểu của Đội giai đoạn 1945- 1954

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự phụ trách của Đoàn, tổ chức Đội đã tập hợp các em thiếu nhi tham gia tích cực vào các phong trào chống giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Tiếng vang của Đội Nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế (Hà Nội) lan nhanh sang các tỉnh khác, thiếu nhi đã tích cực tham gia kháng chiến như làm liên lạc, vào du kích, trinh sát, tình báo. Gương chiến đấu dũng cảm của Kim Đồng từ chiến khu lan về cùng ánh đuốc sống Lê Văn Tám; hoạt động của các Đội Thiếu niên Bát Sắt, Đội Thiếu niên Phan Rí, Đội Thiếu niên Phan Đình Phùng,... đã thôi thúc, cổ vũ những người bạn cùng lứa tuổi viết thêm trang mới trong cuốn lịch sử Đội của chúng ta.

Giữa năm 1946, hai tổ chức Đội TNTP và Hội Nhi đồng cứu vong sát nhập lại làm một và lấy tên chung là Đội Thiếu nhi cứu quốc.

Mùa xuân năm 1947, có một đội viên dũng cảm của Đội ta đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ liên lạc ở trận đánh bên làng Giá ngoại thành Hà Nội, đó là Dương Văn Nội- người đội viên là liệt sĩ thiếu niên đầu tiên được Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngoài ra còn nhiều gương chiến đấu hi sinh dũng cảm của thiếu nhi mãi mãi làm đẹp trang sử Đội ta như: Vừ A Dính (Lai Châu), Phạm Ngọc Đa (Hải Phòng),...

Tháng 2 năm 1948, Bác Hồ gửi thư cho các cháu nói về nội dung, ý nghĩa và cách tổ chức “Phong trào Trần Quốc Toản” nhằm động viên khuyến khích thiếu nhi thi đua học tập và giúp đỡ đồng bào, trước hết là các gia đình bộ đội, neo đơn, thương binh, liệt sĩ... Phong trào nhanh chóng phát triển rộng khắp.

Tháng 3 năm 1951, Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc đã quyết định thống nhất lực lượng thiếu nhi, lấy tên là Đội Thiếu nhi tháng Tám và thống nhất một số chủ trương mới như thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, bài ca chính thức, khẩu hiệu, đẳng hiệu, cấp hiệu, phiên chế tổ chức của Đội.

Như vậy, sau những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi sinh, tổ chức Đội đã thực sự trưởng thành về mọi mặt với bao chiến công. Nhiều tập thể của đội viên đã được khen thưởng, xứng đáng với niềm tin yêu sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân.

8. Hoạt động, mốc son của Đội trong giai đoạn 1954 - 1975

Ngày 01 tháng 6 năm 1954, ở Việt Bắc, tờ báo “Tiền phong Thiếu niên” của Đội ra đời tiền thân của báo “Thiếu niên tiền phong” ngày nay. Tờ báo là tiếng nói của thiếu niên, nhi đồng nêu các phong trào của Đội và phong trào thiếu nhi Việt Nam, nhằm hướng các em vào những hoạt động có ích, góp phần giáo dục và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức và trách nhiệm xã hội cho các em.

Tháng 11 năm 1956, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II đã quyết định đổi tên Đội Thiếu nhi tháng Tám thành Đội TNTP Việt Nam.

Cũng trong năm 1956, Đội được tổ chức theo cơ sở trường học nhằm giáo dục thiếu nhi một cách toàn diện và góp phần xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, năm 1958, phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời, nhanh chóng cuốn hút các em thiếu niên nhi đồng tham gia. Ngày 17 tháng 6 năm 1957, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức được thành lập. Nhiều loại trang thiết bị phục vụ cho hoạt động Đội: Trống, cờ, khăn quàng đỏ cũng được đầu tư sản xuất. Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 18 ngày thành lập Đội (15/5/1959), Bác Tôn Đức Thắng thay mặt Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao lá cờ thêu dòng chữ vàng: “Vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và thống nhất Tổ quốc, sẵn sàng!”.

Năm 1961, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội TNTP Việt Nam (15/5/1941- 15/5/1961), Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước và căn dặn các em 5 điều:

“ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn thật thà dũng cảm”.

5 điều Bác Hồ dạy từ đó đã trở thành niềm tin, sức mạnh, niềm vui, phương hướng cho mọi hoạt động của Đội. Những điển hình tốt, những gương mặt tiêu biểu, những việc làm mang nếp sống của người lao động mới xuất hiện và tươi nở rực rỡ như hoa mùa xuân, điển hình như: Bùi Thị Tứ (Thái Bình), 13 tuổi đã cõng bạn Nguyễn Thị Hồng bị liệt chân đi học suốt ba năm, được Bác Hồ thưởng huy hiệu; Nguyễn Ngọc Ký ở Hải Hậu (Hà Nam) bị liệt hai tay từ thủơ nhỏ, đã luyện cách viết bằng chân, bền bỉ học tập suốt từ lớp 1 đến khi học xong đại học và trở thành giáo viên; Nguyễn Bá Ngọc (Thanh Hoá) quên mình cứu hai em nhỏ,... Nhiều tập thể Đội xuất sắc như: Liên đội Tam Sơn (Bắc Ninh) quê hương phong trào “Nghìn việc tốt”, Liên đội cấp I, II Trưng Vương (Hà Nội), Liên đội trường cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam)...

Ở miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng gian khổ, Trong hoàn cảnh ấy, những trang sử vẻ vang của Đội thiếu niên, nhi đồng miền Nam cũng được bắt đầu. Với tinh thần “ Tuổi nhỏ chí lớn”, thiếu niên nhi đồng miền Nam gan dạ, anh hùng không sợ hi sinh đứng lên cùng cha anh đánh giặc. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mĩ cho không quân đánh phá miền Bắc, thiếu nhi cả nước bước sang một thời kì mới với lời son sắt thêu trên lá cờ của Trung ương Đảng trao cho nhân dịp kỉ niệm lần thứ 25 ngày sinh nhật Đội (15/5/1966):

“ Vâng lời Bác dạy

Làm nghìn việc tốt

Chống Mĩ cứu nước

Thiếu niên sẵn sàng!”

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, để lại cho thiếu niên nhi đồng cả nước “muôn vàn tình thương yêu”. Trung ương Đoàn thay mặt tuổi trẻ cả nước đề nghị Trung ương Đảng cho Đoàn, Đội được mang tên Bác. Thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ, ngày 30/ 01/1970, Đội được mang tên Bác Hồ vĩ đại: Đội TNTP Hồ Chí Minh.Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Đoàn, lớp lớp đội viên cả hai miền Bắc Nam không ngại khó khăn, gian khổ hi sinh, phấn đấu trên tất cả các mặt học tập, lao động, chiến đấu, xây dựng Đội, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam vào mùa xuân năm 1975.

Thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy, Đội TNTP Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt hoạt động phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

9. Hoạt động của Đội giai đoạn 1986 đến nay

Đội TNTP Hồ Chí Minh cũng từng bước đổi mới các hoạt động của mình cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã quyết định đổi mới nội dung và mở rộng các hình thức hoạt động Đội nhằm tập hợp đông đảo thiếu nhi cả nước “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Các phong trào của Đội phát triển mạnh mẽ với các hình thức đa dạng và luôn đổi mới. Phong trào thi đua học tập, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Phong trào Trần Quốc Toản” tiếp tục phát triển với những hình thức mới như: “áo lụa tặng bà”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Những viên gạch hồng”, “Thiếu nhi nghèo vượt khó”,... Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ ba, thứ tư, thứ năm lần lượt được tổ chức để biểu dương thành tích của thiếu nhi. Trong giai đoạn này, liên hoan các nhà thiếu nhi là một nét mới trong tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Tháng 8 năm 1991, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội thông qua nhằm thúc đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển và trưởng thành.

Ngày 25 tháng 7 năm 2003, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 3 (khoá VIII) đã quyết định sửa đổi và ban hành Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho Đội phát triển mạnh mẽ, vững bước trong thế kỉ 21, xứng đáng là tổ chức của thiếu nhi ViệtNam, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

10. Nhiệm vụ của Đội trong giai đoạn 1986 đến nay

Thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, bạn tốt, đội viên tốt xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

11. Nhiệm vụ qua các thời kì đổi tên của Đội

Hội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ là làm giao thông liên lạc, canh gác các cuộc họp bí mật cho cán bộ, dự bị đánh Tây đuổi Nhật.

Đội Thiếu nhi cứu quốc (1946) có nhiệm vụ làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, trinh sát góp phần cùng cha anh tham gia vào các cuộc đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Đội Thiếu nhi Tháng Tám (Tháng 3 năm 1951) có nhiệm vụ là làm theo lời Bác dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.

Đội TNTP Việt Nam (Tháng 11 năm 1956) có nhiệm vụ là thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy.

Đội TNTP Hồ Chí Minh (30 tháng 1 năm 1970) có nhiệm vụ thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy:

1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

2. Học tập tốt, lao động tốt

3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt

5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm!

12. Ý nghĩa những lần đổi tên của Đội

- Sau cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời mở ra kỉ nguyên mới cho dân tộc: Kỉ nguyên độc lập - Tự do. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta bước sang thời kì mới. Để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và cũng để khắc ghi mốc lịch sử quan trọng của đất nước, Đội Thiếu nhi cứu quốc được đổi tên gọi là Đội Thiếu nhi Tháng Tám (tháng 3 năm 1951).