Sự phát triển ngôn ngữ nói ở trẻ em là một trong những tiến trình kỳ diệu và bí ẩn nhất trong đời sống con người. Sự định hình ngôn ngữ từ lúc trẻ bập bẹ những lời đầu tiên đến khi trẻ nói được những câu trôi chảy, lưu loát đã diễn ra một cách hết sức tự nhiên, ngay từ lúc trẻ chưa đến trường, và thật khác xa với quá trình học một ngoại ngữ ở người lớn chúng ta
Những mầm mống đầu tiên của lời nói
Âm thanh mà mọi đứa trẻ tạo nên ngay từ lúc mới sinh ra là tiếng khóc. Trẻ em trên toàn thế giới đều có chung một tiếng khóc chào đời. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, tiếng khóc của trẻ chuyển biến thành những giọng điệu khác nhau, thể hiện những yêu cầu và ước muốn của trẻ trong những tình huống khác nhau, như khi trẻ khát sữa, khi khó chịu vì thời tiết nóng, lạnh hoặc khi tã lót bị ướt. Đến khoảng hơn một tháng tuổi, ngoài tiếng khóc, trẻ bắt đầu phát ra những âm thanh khác như những tiếng “gù-gù” (những âm thanh chứa đựng chủ yếu nguyên âm “u”), hoặc những âm thanh giống như tiếng nấc. Từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ phát ra nhiều âm thanh hơn, những tiếng ê-a, bập bẹ, tiếng phì phèo nước bọt ở miệng và cả những tiếng líu lo khi trẻ vui sướng, thoải mái hay khi “hóng chuyện” với người lớn.
Từ 6 tháng trở đi, tiếng bập bẹ của trẻ bắt đầu có nét tương tự như những âm thanh hiện diện trong lời nói của người lớn. Một số nhà nghiên cứu như Mowrer (1960) cho rằng tiếng bập bẹ của trẻ em chứa đựng những âm thanh có trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới và việc hình thành lời nói là một quá trình chọn lọc, loại bỏ những âm không có nghĩa và giữ lại những âm có nghĩa trong tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Trong suốt năm đầu tiên của đời sống, đa số trẻ em chưa nói được những từ có nghĩa. Người ta gọi đây là giai đoạn giao tiếp không dùng lời nói (nonverbal communication).
Sự nhận thức và phân biệt các âm thanh
Cơ quan thính giác (tai) của trẻ ngay từ khi mới ra đời đã phát triển và hoạt động rất tốt.Wertheimer (1961) nhận thấy trẻ sơ sinh có thể xoay đầu hướng về phía nguồn phát ra âm thanh. Trẻ 2-3 tuần tuổi có thể phân biệt giữa âm thanh của một giọng nói với những âm thanh không phải lời nói. Khoảng 2-3 tháng tuổi, trẻ có thể phản ứng khác nhau với các giọng nói khác nhau: một giọng nói giận dữ có thể khiến cho trẻ khóc, trong khi một giọng nói vui vẻ sẽ làm cho trẻ mỉm cười và cất tiếng ê-a. Đến 4-5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thấy thích thú khi chơi một mình với những âm thanh do tự mình phát ra (như tiếng phì phèo nước bọt).
Tuy có khả năng nghe và phân biệt âm thanh tốt, nhưng trong 6 tháng đầu đời, trẻ hãy còn quá nhỏ để có thể hiểu được ý nghĩa của những lời nói. Trẻ 6 tháng tuổi chủ yếu lắng nghe và phân biệt những ngữ điệu trầm bổng của lời nói hơn là tìm hiểu những nội dung chứa trong các từ ngữ.
Lĩnh hội ngôn ngữ
Khoảng 8-14 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hiểu được một số từ đầu tiên. Đây là khoảng thời gian trẻ có thể chỉ tay hoặc nhìn về phía mẹ khi được hỏi “Mẹ đâu?”, và cũng là giai đoạn mà trẻ có thể làm theo một số những chỉ dẫn đơn giản như vẫy tay chào và khoanh tay “ạ” với người lớn. Những yêu cầu của người lớn như “đứng lại”, “đến đây”, “ngồi xuống”, “hôn mẹ đi”... cũng được trẻ hiểu và làm theo.
Quá trình lĩnh hội ngôn ngữ lúc này đã phát huy hiệu quả và vẫn diễn tiến suốt cả thời kỳ học nói trong những năm đầu đời của trẻ với tốc độ khá nhanh, vốn từ vựng mà trẻ thu nhận được (qua quá trình nghe hiểu) gia tăng từ 5-10 từ lúc 12 tháng tuổi lên đến khoảng 300 từ vào lúc trẻ được 24 tháng tuổi. Dù rằng cho đến thời điểm đó có trẻ vẫn chỉ mới nói được vài từ.
Theo Chomsky (1965), Eric Lenneberg (1967) và Mc Neill (1970), trẻ em được sinh ra với một khả năng lĩnh hội ngôn ngữ bẩm sinh. Khả năng này cho phép trẻ “giải mã” những âm thanh trong lời nói của người lớn và nắm bắt dần ý nghĩa của những lời nói này một cách hết sức tự nhiên. Bên cạnh đó, yếu tố ngữ cảnh (hoàn cảnh cụ thể khi lời nói được sử dụng) và các đáp ứng phản hồi của người lớn khi nói chuyện với trẻ sẽ có vai trò củng cố những ý nghĩa của lời nói mà trẻ tiếp thu được.
Những cố gắng đầu tiên để nói
Hầu hết trẻ em bắt đầu nói từ khoảng sau 14 tháng tuổi. Việc chuyển tiếp từ giai đoạn chưa biết nói sang giai đoạn biết nói có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột. Trong vài trường hợp, có một khoảng thời gian yên lặng khoảng vài ngày hoặc vài tuần trong đó trẻ ngưng tất cả những tiếng bập bẹ, rồi sau đó trẻ bắt đầu nói ra những từ có ý nghĩa thật sự.
Những âm đầu tiên mà trẻ sử dụng để tạo nên lời nói dường như giống nhau ở mọi ngôn ngữ. Nguyên âm đầu tiên thường là “a”, phụ âm đầu tiên thường là các phụ âm môi như “b, p”, sau đó là “m”. Các âm này được kết hợp lại tạo thành những từ “ba”, “pa”, “ba-ba”, “pa-pa” và sau đó là “ma”, “ma-ma”. Một cách tự nhiên, những người cha, người mẹ trên khắp thế giới sớm nhận ra các âm thanh đầu tiên này như những cố gắng của trẻ nhằm để gọi tên họ.
Trong vài tháng đầu, trẻ chỉ nói được từng từ đơn lẻ (câu có một từ). Nhưng đến khoảng 18-20 tháng tuổi, một số trẻ bắt đầu ghép hai từ lại với nhau để tạo thành những câu có cấu trúc ngữ pháp đơn giản nhất : câu có hai từ. Ở một số trẻ bình thường, khả năng nói được những câu hai từ có thể xuất hiện muộn hơn 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngôn ngữ vẫn bình thường là trẻ tiếp tục hiểu được và làm theo những chỉ dẫn và yêu cầu ngày càng phức tạp hơn của người lớn.
Những bước chuyển quan trọng
Giai đoạn 24-36 tháng tuổi đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng cả về chất lẫn về lượng của sự sáng tạo và sử dụng lời nói của trẻ em. Trẻ sử dụng lời nói nhiều hơn để diễn tả những cảm nghĩ và ý muốn, tuy rằng việc nói nhiều hay nói ít còn tùy thuộc một phần vào cá tính của từng trẻ. Sự lĩnh hội ngôn ngữ cũng gia tăng với một tốc độ nhanh giúp trẻ không chỉ mở rộng thêm vốn từ vựng mà còn tiếp thu cả những qui tắc ngữ pháp ngày càng phức tạp hơn trong ngôn ngữ nói của người lớn. Trẻ bắt đầu sử dụng những cụm từ trong khi nói và chẳng bao lâu sau sinh nhật lần thứ hai, trẻ có thể nói được những câu ngắn khá hoàn chỉnh.
Một trong những đặc trưng của một trẻ phát triển tốt vào cuối giai đoạn này là khuynh hướng duy trì cuộc đàm thoại với người lớn như thể họ là những người bạn đồng trang lứa. Những cha mẹ tốt sẽ tự nhiên đáp ứng lại kiểu ngôn ngữ trẻ con ấy và tiếp tục cuộc đàm thoại thật bình đẳng với trẻ. Qua đó, trẻ sẽ được làm giàu thêm những kinh nghiệm và tăng thêm vốn liếng về ngôn ngữ. Khả năng suy nghĩ, trí thông minh, tính tò mò và kỹ năng giao tiếp xã hội cũng phát triển song song và hỗ trợ cho khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Trẻ 3 tuổi sẽ lĩnh hội được một vốn từ vựng hơn 1000 từ, trong đó trẻ có thể sử dụng khoảng 800-900 từ để lập câu khi nói chuyện. Trẻ hiểu được hầu hết những lời của người lớn nói với trẻ, phát âm chuẩn xác hơn và có thể đặt những câu đúng ngữ pháp với số lượng từ 3 từ trở lên.
Cha mẹ hãy giúp con mình học nói
Các nhà giáo dục ngày nay khuyên cha mẹ nên bắt đầu nói chuyện với con mình ngay từ những ngày đầu tiên sau khi sinh chứ không đợi cho đến khi trẻ biết nói. Những tiền nhân thuở xưa có lẽ cũng đã biết rõ điều quan trọng này. Cùng với dòng sữa mẹ nuôi dưỡng thể chất của con, giọng nói vỗ về, tiếng hát và lời ru của mẹ như những chất men xúc tác đã giúp hình thành nơi trẻ một khả năng duy nhất chỉ loài người mới có: Khả năng dùng ngôn ngữ để giao tiếp.
Ngay từ tuổi nhũ nhi (trẻ còn ẵm ngửa), việc tìm hiểu những ý muốn và đáp ứng thỏa đáng những yêu cầu của trẻ là giúp trẻ hình thành cảm giác về “cho-và-nhận-thông-tin” trong sự giao tiếp. Nói chuyện với trẻ về những gì trẻ đang quan tâm hoặc những điều đang xảy ra trước mắt sẽ giúp trẻ tạo lập mối quan hệ giữa những âm thanh của lời nói và ý nghĩa của chúng. Và khi trẻ bắt đầu hiểu được lời nói, ta hãy đặt ra những yêu cầu và chỉ dẫn đơn giản để trẻ làm theo.
Nếu như việc nói chuyện với trẻ trong hai năm đầu chủ yếu là để giúp trẻ lĩnh hội ngôn ngữ, thì việc nói chuyện với trẻ trong năm thứ ba sẽ giúp trẻ có cơ hội thực hành khả năng sử dụng ngôn ngữ. Những lời nói đầu tiên của trẻ cần được trân trọng và cha mẹ cần tạo mọi điều kiện để khuyến khích trẻ nói.
Đến năm 3 tuổi, trẻ đã đi được một chặng đường khá dài. Lúc này, trẻ năng động hơn, hiếu kỳ hơn và cần có những mối quan hệ xã hội rộng hơn: quan hệ giao tiếp với những trẻ đồng trang lứa. Một giai đoạn mới với vô vàn cơ hội để học thêm ngôn ngữ đang chờ đợi trẻ: giai đoạn giáo dục mẫu giáo.