- Ngủ đúng giờ và đủ giấc: 1 đến 6 tuổi

Ngủ đúng giờ và đủ giấc là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng mà trẻ cần phải học càng sớm càng tốt. Ngay từ lúc con còn nhỏ, cha mẹ có thể áp dụng quy trình 4B: bathing (tắm), brushing (đánh răng), books (đọc sách) và bed (đi ngủ), tức là trẻ sau khi tắm sẽ đánh răng, nghe cha mẹ kể chuyện hoặc đọc sách và đi ngủ. Giờ lý tưởng nhất để trẻ đi ngủ là trước 9h tối. Ở độ tuổi này, trẻ cần ngủ từ 9 đến 11 tiếng/đêm (khoảng 12 đến 14 tiếng/ngày).

- Biết bơi: 1 đến 6 tuổi

Trẻ có thể học bơi ở bất kì độ tuổi nào, nhưng theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo thì cha mẹ nên đợi cho đến khi trẻ được ít nhất 1 tuổi mới nên cho học bơi chính thức.

Biểu đồ kỹ năng bơi lội và an toàn nước của Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho biết từ 6 tháng đến khoảng 3 tuổi, trẻ có thể học các kỹ năng bơi cơ bản như chìm người dưới nước, nổi và lướt trên mặt nước.

Trẻ mẫu giáo (4 đến 5 tuổi) đã thành thạo các kỹ năng bơi lội trên có thể học thêm các kỹ năng đòi hỏi phải phối hợp tay và chân dưới nước.
Trẻ trên 6 tuổi ngoài việc học kỹ năng bơi lội thành thạo thì cần học thêm các kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.

- Nấu ăn cơ bản: 2 tuổi trở lên

Cho trẻ tham gia công việc bếp núc cùng cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển một chế độ ăn lành mạnh và khích lệ trẻ thử nhiều món ăn khác nhau thay vì kén ăn. Những trẻ nhỏ tuổi có thể giúp mẹ nhặt rau hay đong đếm nguyên liệu, còn trẻ lớn hơn, từ 6-8 tuổi có thể sử dụng những vật dụng trong bếp như lò vi sóng, máy nướng bánh, dụng cụ mở đồ hộp… Trên 8 tuổi, trẻ có thể học các sử dụng dao dưới sự hướng dẫn và giám sát của cha mẹ. Trên 13 tuổi, trẻ có thể tự nấu một bữa ăn đơn giản cho gia đình hoặc cho bản thân mình.

- Đi xe đạp: 3 đến 8 tuổi

Hầu hết trẻ em tập đi xe đạp 2 bánh lúc khoảng 5 tuổi, nhưng có trẻ có thể biết đi xe đạp 2 bánh từ lúc lên 3 hoặc trễ hơn lúc đã lên 8 (hoặc lớn tuổi hơn nữa).

Theo tổ chức HealthyChildren.org thì hầu hết trẻ em có thể đi xe 3 bánh ở tuổi lên 3. Những bánh xe nhỏ giúp trẻ làm quen với việc dùng chân để đạp xe và giữ cân bằng dễ hơn, nhưng thực ra chúng lại không mấy cần thiết, đôi khi việc đi xe đạp 3 bánh khiến trẻ bị lệ thuộc và chậm biết đi xe đạp 2 bánh sau này. Tốt nhất, bố mẹ nên tập cho con đi xe 2 bánh ngay từ đầu, hoặc đi xe không có bàn đạp để học cách cân bằng.

- Đánh răng: 3 đến 6 tuổi

Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyến nghị cha mẹ đánh răng cho trẻ khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi và giám sát việc đánh răng của trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Sau 6 tuổi, con bạn có thể tự đánh răng. Tuy nhiên, một số khảo sát của các nha sĩ cho thấy trẻ ở độ tuổi 11 chỉ chải 50% bề mặt răng, trong khi những người trưởng thành từ 18 đến 22 tuổi không tốt hơn nhiều: chải 67% bề mặt răng. Điều này cho thấy, các kỹ năng càng đơn giản thì thường sẽ không được chú trọng. Đánh răng không phải là một kỹ năng khó, quan trọng là cha mẹ cần tìm ra động lực để khuyến khích trẻ đánh răng một cách nghiêm túc và khoa học.

- Buộc dây giày: 6 đến 8 tuổi

Dường như buộc dây giầy là một “bộ môn nghệ thuật” gần như đã biến mất trong cuộc sống ngày nay. Nhiều hãng giầy cho ra mắt các loại giầy lười, giầy có quai dính tiện lợi, tuy nhiên những đôi giầy thể thao năng động với dây buộc tinh tế vẫn cứ là thứ thời trang không bao giờ lỗi mốt, vậy nên tất cả trẻ em vẫn nên biết cách tự buộc dây giầy. Bên cạnh việc phát triển tính tự lập, kỹ năng buộc dây giày còn là cách để trẻ phát triển vận động tinh và sự khéo léo của đôi tay.

- Tiêu tiền: 6 tuổi trở lên

6 tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để bạn dạy con cách tiêu tiền và quản lý tài chính cá nhân thông qua những khoản tiền tiêu vặt.

Từ 6 đến 10 tuổi, trẻ có thể so sánh giá cả khi đi mua sắm cùng cha mẹ hoặc mua hàng online. 13 tuổi, trẻ nên tìm hiểu về lãi suất tiền gửi và cách thức hoạt động của thẻ tín dụng. Một số thanh thiếu niên có thể bắt đầu đi làm thêm hoặc kinh doanh nhỏ để tự kiếm tiền nếu có khả năng.

- Giặt giũ: 8 đến 12 tuổi

Ngày nay, hầu hết các gia đình đều sử dụng máy giặt. Việc khởi động máy giặt không quá phức tạp, trẻ biết đọc chữ thông thạo và biết sử dụng các thiết bị điện là có thể giúp cha mẹ vận hành máy giặt. Ban đầu, bạn nên giám sát con bật máy giặt, lưu ý không bao giờ cho trẻ chui vào máy giặt hay thò tay vào máy giặt khi máy đang hoạt động.

Một số quần áo như đồ lót, áo, váy màu trắng cần giặt tay, cha mẹ hướng dẫn con cách giặt tay và cách phơi quần áo để quần áo không bị bai dão.

Trẻ tầm 3 đến 5 tuổi có thể gấp quần áo, để quần áo bẩn đúng chỗ và không vứt quần áo lung tung.

- Sử dụng bản đồ và các phương tiện giao thông công cộng một mình: 6 đến 13 tuổi

Nhiều trẻ em Nhật Bản có thể tự đi xe bus công cộng đến trường khi mới 6 tuổi. Tuy nhiên, đây không phải là độ tuổi lý tưởng để có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Theo nhiều chuyên gia Mỹ, trẻ dưới 13 tuổi không nên đợi ở bến xe bus một mình và trẻ dưới 9 tuổi không nên đi tàu điện ngầm một mình. Trẻ dưới 10 tuổi không nên tự ý băng qua đường một mình.

Tùy vào tình hình an ninh khu vực bạn ở mà đưa ra quyết định cuối cùng, mấy tuổi con có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng một mình.

Cho dù con bạn đi học bằng xe đạp hay xe bus thì chúng vẫn nên được dạy cách đọc bản đồ để không bị lạc đường và có thể chỉ đường giúp đỡ người khác.

- Chăm sóc thú cưng: 6 tuổi trở lên

Nhiều trẻ nhỏ thích được nuôi hoặc chơi với chó, mèo cảnh. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho phép trẻ nuôi hoặc chơi với thú cưng khi trẻ đã trên 6 tuổi. Ban đầu, bạn hãy cho trẻ làm quen với vật nuôi nhỏ như cá vàng, sau chuyển dần sang chó, mèo, thỏ…

Dưới 6 tuổi, nhận thức của trẻ còn kém, chơi với thú cưng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm hoặc ngược lại, trẻ gây nguy hiểm cho thú cưng.

Nguồn: tapchigiadinhvatreem

"Sự tự lập giúp trẻ phát triển về kỹ năng sống và học vấn toàn diện hơn"

Đứa trẻ phát triển tính tự lập thông qua các mối quan hệ giao tiếp và tương tác với những người trong gia đình. Chính vì vậy bậc phụ huynh chính là những người rất quan trọng trong việc hình thành nên tính tự lập ở trẻ.

1. Dành thời gian dạy dỗ
Dành thời gian để ‘huấn luyện’ trẻ chập chững làm những việc như người lớn là bước đầu tiên giúp trẻ tự giác và ý thức hơn trong việc tự phục vụ nhu cầu bản thân. “Mỗi tuần, hãy vạch ra một việc mới cho trẻ làm quen. Ban đầu nên tách công việc này thành những bước nhỏ và kiên nhẫn dạy trẻ cách làm. Sau khi trẻ đã nhuần nhuyễn hơn, khéo léo hơn… hãy coi công việc đó như một ‘nhiệm vụ’ mà trẻ phải hoàn thành”

2. Khen ngợi sự nỗ lực của trẻ
“Ngay cả khi kết quả công việc của trẻ không thực sự xuất sắc, cha mẹ vẫn nên mỉm cười và tỏ ra hài lòng với nỗ lực của trẻ”, để dần hình thành và phát triển nhân cách cho các em. Bởi thế, dù trẻ làm việc nhỏ nhất, ví như: tự rót nước uống… thì cha mẹ vẫn nên thưởng trẻ bằng những lời khen thiện chí, nhằm nâng cao sự tự lực cho trẻ.
Tuyệt đối không phê phán trẻ, không dùng những từ “Không được! Vỡ bây giờ! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!...” với trẻ khi trẻ đang học một kỹ năng nào đó..

3. Dạy trẻ tư duy
Hãy dạy trẻ biết cái gì hay, cái gì dở, cái gì hợp lý, cái gì không... Ví dụ, mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay trời lạnh quá, mình có cần đội mũ len không nhỉ? Mình nên đi giày ấm hay là xăng-đan con nhỉ?” Và nhờ bé lấy những món đồ đó ra… Nghĩa là thay vì ra lệnh cho bé tự làm một việc: “Con mặc quần áo đi, con đi giày đi...!” thì mẹ nên hướng bé đến hành động đó một cách gián tiếp.

4. Hạn chế trợ giúp
Cha mẹ không thể lúc nào cũng bên con 24h/ngày và 7 ngày/ tuần. Do đó, đừng bao giờ xắn tay trợ giúp con những việc mà bản thân chúng có thể tự làm.
Đặc biệt, thay vì ‘cầm tay chỉ việc’ hãy để trẻ tự nói chúng sẽ làm gì – điều này giúp trẻ có cảm giác làm chủ được thử thách. Tất nhiên, nếu trẻ cần vài gợi ý hay trợ giúp để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì cha mẹ hãy luôn sẵn sàng nhé!

Một người có tính tự lập luôn cảm thấy đủ khả năng để đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống cũng như luôn làm chủ được mình. Hình thành tính tự lập ở trẻ ngay lúc còn nhỏ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển và sự trưởng thành của trẻ sau này.

Các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia phát triển rất coi trọng việc huấn luyện cho trẻ biết cách tự lo liệu, biết chịu gian khổ ngay từ bé. Bởi vì họ ý thực được rằng, sau này, chúng sẽ phải sống trong một xã hội cạnh tranh, đầy áp lực.

Trong suy nghĩ của phần lớn teen hiện nay, mẹ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng, nhưng chưa phải là một người bạn để teen có thể tâm sự và chia sẻ những câu chuyện của chính mình. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể trở thành một người bạn, một tri kỉ tuyệt vời của teen, đặc biệt là các teen nữ đấy!

Dù vậy, không phải ai cũng có thể làm bạn với mẹ của mình. Phần lớn teen nữ cho rằng mẹ không tâm lý hay không có thời gian tâm sự với mình nên thường có thái độ sợ hãi, dè dặt khi nói chuyện với mẹ. Thay vào đó, các bạn sẽ kể những ưu tư ấy cho bạn thân và dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm. Nhưng các teen ơi, các bạn đã nghĩ sai rồi! Vì chỉ cần các bạn biết cách mở lòng ra nói với mẹ những chuyện mà mình đang băn khoăn, chắc chắn mẹ sẽ hiểu và cho bạn những lời khuyên chân thành nhất, đúng đắn nhất. Xóa bỏ khoảng cách và mở lòng mình với mẹ, các bạn đã thử chưa ?

Nhiều teen thường cảm thấy bức xúc khi mẹ đọc nhật kí hay tin nhắn điện thọai của mình và cho rằng mẹ rất quá đáng vì đã xâm phạm đến đời sống riêng tư hoặc không tôn trọng bạn. Nhưng các bạn biết không, mẹ đọc nhật kí của các bạn không phải là vì những lý do trên đâu. Thật sự là mẹ lo lắng cho các bạn và muốn hiểu các bạn thôi, và việc mẹ muốn biết rõ hơn về thế giới riêng tư của các bạn là điều hoàn toàn chính đáng. Nếu các bạn muốn mẹ không can dự quá nhiều về cá nhân hay cụ thể là đọc nhật kí, tin nhắn của mình, các bạn hãy chủ động nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Ban đầu, các bạn có thể kể cho mẹ nghe về những câu chuyện vui trên lớp, những người bạn thân mình yêu quý… Chỉ cần những chuyện đơn giản thế thôi, chắc chắn mẹ sẽ thấy thích thú và rất vui vì bạn đã chia sẻ những câu chuyện của mình cho mẹ. Và những lúc buồn bạn cũng nên tâm sự và hỏi lời khuyên của mẹ nhé, chắc chắn mẹ sẽ nhiệt tình giúp bạn. Chỉ vậy thôi, chắc hẳn mẹ sẽ tin tưởng bạn nhiều hơn, vì bạn luôn thành thật với mẹ mà, và lúc đó mẹ cũng đã hiểu về teen chúng ta chút chút rồi. Vậy nên mẹ sẽ không cảm thấy lo lắng về con gái và tò mò những mẩu tin nhắn hay những dòng nhật kí nữa. Mà qua đó, tình cảm của hai mẹ con cũng trở nên khắng khít hơn.

Trong trường hợp mẹ bạn quá bận rộn với những công việc hằng ngày? Bạn đừng lo về chuyện đó mà hãy dành thời gian gọi điện hỏi thăm mẹ nhiều hơn, hỏi mẹ công việc của mẹ thế nào và hãy trả lời thành thật những câu hỏi của mẹ nhé. Làm được như thế thì hai mẹ con lúc nào cũng giữ được tình cảm và vượt qua mọi khoảng cách.
Đấy, chỉ cần những hành động nho nhỏ, đơn giản thế thôi, bạn và mẹ sẽ không phải e ngại khi nói chuyện với nhau hay lo bất đồng quan điểm nữa. Tất nhiên, có những lúc mẹ cũng sẽ không đồng ý với bạn vài vấn đề (như chuyện tình cảm chẳng hạn), tuy nhiên nếu bạn kiên nhẫn chứng minh cho mẹ thấy vấn đề ấy là đúng đắn và bảo đảm không gây ảnh hưởng cho việc học, chắc chắn mẹ sẽ hiểu và thông cảm với bạn ngay thôi. Chúc teen sẽ sớm trở thành bạn thân của mẹ thông qua những mẹo nhỏ này. Và mình nói trước nha, mẹ là một người bạn thân rất tuyệt vời đấy!

Bảo Châu – CLB Bút xanh

Sốc tâm lý” là cụm từ để nói đến tình trạng bị sang chấn tâm lý của con người, thường xuất hiện ngay sau khi có những sự kiện nghiêm trọng xảy ra gây đau buồn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và trong cuộc sống hàng ngày.

“Sốc tâm lý” gây ra những tác động làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi con người. Đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi, nếu các em không được can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời sẽ có nguy cơ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi trưởng thành.

Hiểu rõ các dấu hiệu, biểu hiện của con trẻ khi bị “ Sốc tâm lý” là điều cha mẹ cần biết để có thể giúp trẻ vượt qua.

1 - Sốc tâm lý là gì?

- Sốc tâm lý là từ ngữ “bình dân” để nói đến tình trạng bị sang chấn tâm lý của con người. Sang chấn tâm lý là một chấn thương (trauma) xuất hiện ngay sau khi có những kiện nghiêm trọng (gây đau đớn, đau buồn) xảy ra, có thể ở dạng thể lý hoặc tâm lý hoặc cả hai.

- Sốc về mặt tâm lý gây ra những ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi con người.

- Càng trực tiếp liên quan nhiều đến các sự kiện gây sang chấn thì càng dễ tổn thương hơn. Tuy vậy, ngay cả khi chỉ là “người quan sát” hoặc xem hình ảnh… về sự kiện sang chấn cũng có thể gây tổn thương

- Sang chấn tâm lý ở trẻ em nếu không được can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả thì sẽ có nguy cơ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi trưởng thành.

- Khi bị sốc về tâm lý, trẻ em có thể trở nên sợ hãi, thu rút hoặc có cảm giác tái diễn liên tục các sự kiện đau buồn trong đầu, thiếu tập trung, cảm thấy vô dụng, mất ngủ, chán ăn, hành vi gây hấn, muốn xem lại hoặc nghe kể lại về sự kiện đau buồn với một tâm trạng bất an và lo sợ…

2 - Sốc tâm lý ở trẻ em có thể xuất phát từ những sự cố sau:

- Môi trường sống không an toàn hoặc không ổn định

- Thiên tai hoặc tai nạn nghiêm trọng.

- Chia ly/ bị buộc phải rời xa cha mẹ.

- Khi gặp phải những căn bệnh nghiêm trọng/ hiểm nghèo.

- Sử dụng thuốc (tây) một cách bừa bãi.

- Bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc bị mắng nhiếc, đe dọa thậm tệ.

- Bạo lực/ bạo hành trong gia đình, trường học hoặc cộng đồng.

- Bị bỏ rơi.

- Bị bắt nạt.

- Cha mẹ chia tay hoặc thậm chí khi chứng kiến cảnh cha hoặc mẹ bị bạo hành.... và còn nhiều nguyên do tương tự khác.

Cần chú ý đặc biệt khi trẻ có những dấu hiệu sau:

- Từ chối đi đến những địa điểm làm gợi nhớ về sự kiện gây sốc (sang chấn)

- Có vẻ tê cứng cảm xúc (không đáp ứng cảm xúc một cách bình thường với những sự kiện bình thường của cuộc sống)

- Nhạy cảm quá mức với sự kiện bình thường có mức độ rất nhẹ

- Có những hành vi được thể hiện theo những cách có thể gây nguy hiểm cho bản thân

Những đứa trẻ có dấu hiệu trên cần phải được lưu ý một cách đặc biệt và cần sự giúp đỡ ngay tức khắc và chuyên nghiệp.

3 - Những điều cha mẹ có thể làm

- Đến với trẻ: Lắng nghe trẻ nói (dù có thể khó khăn để diễn đạt rõ ràng); Chấp nhận hoặc không tranh luận về những cảm xúc của trẻ; Giúp trẻ đối diện với những thực tại vừa trải nghiệm

- Giảm tác động của những nhân tố có thể gây căng thẳng: Thường xuyên thay đổi hoặc di chuyển nơi ở; Cách xa gia đình và bạn hữu thời gian dài; Áp lực trong trường học; Phải liên tục “chiến đấu” với gia đình; Bị đói.

- Theo dõi tiến trình bình phục: Kiên nhẫn (vì có thể phải mất nhiều thời gian); Chú ý đến những hành vi hoặc ngôn ngữ hoặc những trạng thái cảm xúc thay đổi đột ngột

- Nhắc cho trẻ biết rằng người lớn luôn yêu thương chúng, sẵn sàng hỗ trợ chúng và sẽ cùng ở bên chúng mọi khi có thể.

4 - Những gợi ý cha mẹ có thể làm trước hết khi trẻ gặp những cú sốc tâm lý

- Xác định và chỉ ra/ nói ra cho trẻ biết những cảm xúc cụ thể mà trẻ đang gặp phải

- Giải thích rõ ràng với trẻ về điều gì đã diễn ra (tránh che giấu các thông tin liên quan đến sự kiện)

- Cho đứa trẻ biết rằng: Cha/ mẹ luôn yêu con; Sự kiện xảy ra không phải là lỗi của con; Cha/ mẹ sẽ chăm sóc cho con. (Chú ý rằng cha mẹ chỉ nói điều đó khi thấy rằng thực sự mình có thể làm được được những điều đó); Việc con cảm thấy buồn là rất bình thường.

- Hãy để trẻ khóc; Chấp nhận chuyện trẻ buồn; Để trẻ nói về những cảm xúc của chúng; Để trẻ viết hoặc vẽ về những cảm xúc của chúng.

- Nếu trẻ có vấn đề về giấc ngủ: Chú ý nhiều hơn đến trẻ, để trẻ ngủ với đèn sáng, để trẻ ngủ trong phòng cha mẹ (thời gian ngắn/ tạm thời)

- Cố gắng giữ những nguyên tắc sinh hoạt bình thường (một số nguyên tắc sinh hoạt bình thường có thể không phù hợp trong thời điểm này đối với một số trẻ): Đọc truyện trong giờ đi ngủ, ăn tối cùng nhau, xem TV cùng nhau, đọc sách, tập thể dục, và chơi trò chơi cùng trẻ

- Giúp trẻ cảm thấy có thể kiểm soát: để trẻ chọn món ăn – nếu có thể, để trả lựa chọn áo quần – nếu có thể, để trẻ đưa ra vài quyết định cho trẻ - khi có thể

5 - Những điều không nên làm:

- Mong đợi trẻ can đảm và cứng rắn

- Bảo đứa trẻ trao đổi về sự kiện khi chúng chưa sẵn sàng

- Tức giận khi trẻ thể hiện những cảm xúc mạnh

- Buồn khi trẻ bắt đầu đái dầm, la lối, hoặc mút tay